Thuyết minh tour thể thao: Xe Đạp

23/11/2021 21:56 +07 - Lượt xem: 8332

THUYẾT MINH CHƯƠNG TRÌNH “FARMTRIP TINH HOA TRÀNG AN”
Lời đầu tiên cho phép em gửi lời chào và lời kính chúc sức khỏe trân trọng nhất tới toàn thể quý anh/chị có mặt trong buổi famtrip khám phá TINH HOA TRÀNG AN ngày hôm nay. em sẽ là người đồng hành cùng anh chị trong suốt chuyến đi thông qua bộ tai nghe được cài sẵn một phần mềm đàm thoại tiên tiến mới được áp dụng trong du lịch đó là Discord. Phần mềm này sẽ giúp em cung cấp thông tin điểm đến và trao đổi với anh/chị quý đoàn nhà mình tốt hơn rất nhiều so với cách thức truyền tải thông tin thông thường. Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình em mời quý đoàn nhà mình di chuyển tới cầu Long Biên.

 

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/11/tour-xe-dap-wondertour-1024x640.jpg

1,Giới thiệu về loại hình tour xe đạp

Đi du lịch bằng xe máy, ô tô có lẽ đã quá quen thuộc với du khách, nhưng việc đi du lịch bằng xe đạp thì là một xu hướng mới vừa tốt cho sức khỏe, vừa thuận tiện trong di chuyển và bạn có thể đi đến bất cứ đâu. Điểm đặc biệt của loại hình này là thân thiện với môi trường.

Đạp xe là hình thức vận động cơ thể tương tự như tập thể dục nhẹ nhàng nên có tác dụng giảm cân, ổn định huyết áp, tăng cường lưu thông máu, cải thiện sắc vóc và còn nhiều lợi ích sức khỏe khác. Việc đạp xe giúp bạn có một sức khỏe tốt, cũng như một lối sống lành mạnh.

Du lịch bằng xe đạp sẽ cho bạn cảm giác làm chủ và linh hoạt hơn trong quá trình di chuyển. Bạn có thể đi đến bất kỳ nơi nào bạn thích và dừng lại lưu giữ những kỉ niệm của mình nếu thấy cảnh đẹp bên đường.

Nếu bạn là người chưa bao giờ du lịch một mình hoặc sống quá an toàn trong không gian ở nhà, thì đây chính là cơ hội để bạn thử thách chính giới hạn và bản thân mình, nếu chưa bao giờ thử sức bền của mình thì hãy thử một lần vượt qua giới hạn để xem có gì thú vị nhé!

Việc tìm cho mình một tour du lịch bằng xe đạp hiện nay rất dễ dàng, chỉ với một cuộc gọi bạn đã có ngay một chuyến trải nghiệm đầy bổ ích bên bạn bè và gia đình.

2.Giới thiệu lịch sử, ý nghĩa cầu Long Biên, và nhà tư sản Bạch Thái Bưởi.

  • Lịch sử, ý nghĩa cầu Long Biên

LƯỢT ĐI

Điểm đến đầu tiên trong hành trình của chúng ta ngày hôm nay đó chính là cầu long biên – chứng nhân lịch sử là biểu tượng vô cùng ý nghĩa với người dân thủ đô Hà Nội. Chúng ta cùng khám phá nét đặc biệt của cây cầu qua các góc nhìn khác nhau nhé.

Giới thiệu khái quát:

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên nằm bắc ngang qua sông Hồng, nối hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, cầu Long Biên còn được xem là một chứng tích lịch sử quan trọng đã chứng kiến những thăng trầm của Hà Nội qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Tới nay, Cầu Long Biên được đã được tu sửa nhiều lần. Vì vậy, sau quần thể Tháp Bút – đền Ngọc Sơn cùng chùa Một Cột, cầu Long Biên là một trong những biểu tượng đặc trưng và độc đáo nhất về lịch sử, văn hóa Hà Nội do con người tạo ra.

Lịch sử thăng trầm của cầu Long Biên

Năm 1897, dự án xây dựng cầu Long Biên đã được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thông qua với mục đích nâng cao cơ sở hạ tầng và cần thiết chTuy nhiên, trên thực tế, tổng số tiền chi phí cho công trình lớn nhất Đông Dương này là 6.200.000 Franc. Việc cho xây dựng cầu Long Biên còn có ý nghĩa giúp lưu thông hàng hóa dễ dàng từ trung tâm đồng bằng Bắc Bộ đến Hải Phòng và quay vào Hà Nội. Ngày 13/9/1889, cầu chính thức được khởi công xây dựng bên bờ tả ngạn sông Cái

Sau gần 3 năm thi công, ngày 28/2/1902, cầu đã hoàn thành và được lấy tên là cầu Doumer – tên của Toàn quyền Đông Dương. Vào thời đó, đây là câu cầu lớn nhất Đông Dương và còn được người Pháp ca ngợi gọi là cây cầu nối liền hai thế kỷ.

Cầu Doumer gồm đoạn bắc qua sông dài 2.290m, gồm 19 nhịp dầm thép và đặt trên 20 trụ cao hơn 40m cùng 896m đường dẫn lên cầu xây bằng đá

Ngoài ra, cầu còn thiết kế có đường sắt cho xe lửa chạy ở giữa và hai bên là đường dành cho người đi bộ, xe thô sơ. Đặc biệt, Toàn quyền Đông Dương còn cho phép tuyến đường sắt từ Hà Nội đến biên giới Việt – Trung sẽ được đưa vào khai thác.

Đồng thời, bến phà đường sông của Hà Nội bị xóa bỏ kho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương đã chọn công ty Daydé & Pille làm nhà thầu chính trong việc thiết kế và thi công cầu với số tiền chi tiêu cho phép là 5.900.00 Franc.

iến cho nhu cầu thông thương và đi lại của người dân Bắc Kỳ không còn khó khăn nữa.

Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), Đốc lý Hà Nội – bác sỹ Trần Văn Lai đã đổi tên thành cầu Long Biên, tên gọi đó vẫn giữ đến tận ngày nay.

Theo chia sẻ của Ông Vũ Văn Thìn – 1 người dân Hà Nội đã có nhiều kỷ niệm gắn bó với cây cầu này, cho biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), quân đội Việt Nam cho xây dựng hai trận địa pháo phòng không ở bãi giữa sông Hồng.

Đồng thời, sử dụng những điểm cao trên thành cầu làm ụ pháo cao xạ để bắn phá máy bay Mỹ. Khi đó, các nhịp cầu bị máy bay Mỹ ném bom đánh hỏng nên thay thế bằng các dầm bán vĩnh cửu để đảm bảo giao thông qua cầu không bị gián đoạn.

Với sự phát triển của công nghệ và gia tăng dân số, sau 20 năm sử dụng, công ty Daydé & Pille đã xây dựng thêm hai làn đường dọc hai bên cầu. Trong đó, mỗi làn có chiều rộng 2m và vỉa hè dành cho người đi bộ là 1m.

Đến năm 1924, Toàn quyền Đông Dương đã đưa ra quy định về việc lưu thông trên cầu, cụ thể là người đi bộ chỉ được đi trên vỉa hè với chiều ngược lại chiều của xe cộ và tốc độ giới hạn của xe qua cầu là 15km/giờ.

Ngoài ra, còn có nhiều quy tắc khác như mỗi súc vật kéo hay thồ có người điều khiển thì có thể qua cầu tất cả các giờ, nếu đi bầy đàn thì chỉ được qua cầu từ nửa đêm tới gần sáng; cấm đốt rác hay đốt lửa trên cầu… Hiện nay, cầu Long Biên chỉ dành riêng cho xe máy, xe lửa, xe đạp và người đi bộ.

Đến năm 2002, cầu Long Biên lại được sửa chữa và gia cố lại với kiểu dáng độc đáo cả về thiết kế lẫn chất liệu xây dựng. Vì vậy, đã trở thành cây cầu sở hữu chiều dài lớn thứ hai trên thế giới và nổi bật nhất ở Viễn Đông thời bấy giờ.

Cầu Long Biên không chỉ có nhiệm vụ quan trọng giúp người dân qua sông dễ dàng mà còn là chỗ dựa vững chắc để những đoàn xe vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ cho chiến tranh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dù bị bom đạn ném hơn phá hỏng nhiều nhịp cầu lẫn trụ lớn hơn 10 lần nhưng cầu Long Biên vẫn được tiếp tục đi vào hoạt động. Và đến ngày hôm nay, cây cầu còn đứng vững là nhờ vào công sức giữ gìn và bảo vệ của những người dân Việt Nam yêu nước.

Theo , dù hiện nay thủ đô Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu rộng rãi và hiện đại hơn như cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân. Song cầu Long Biên vẫn là một chứng nhân lịch sử vô cùng quan trọng của Hà Nội đã tồn tại qua hai thế kỷ.

Ngoài ra, cạnh cầu Long Biên còn có bãi đá sông Hồng với khung cảnh rộng lớn, xanh ngắt là địa điểm quen thuộc được giới trẻ Hà Thành và khách du lịch đến chụp ảnh, tận hưởng không khí trong lành. Vào buổi chiều, du khách có thể ghé qua khu chợ trời ở gần cầu để mua rau xanh, hoa quả tươi ngon và đồ ăn nhanh.

Đêm đến, khi đi dọc cầu Long Biên, du khách sẽ bắt gặp người dân đang đi dạo, tập thể dục; những cặp đôi đang hẹn hò trên cầu hay ở thành cầu còn sót lại những ổ khóa, những dòng chữ trắng xóa chứng minh tình yêu đôi lứa…

Đồng thời, du khách còn cảm nhận từng cơn gió mát lạnh từ sông Hồng thổi vào xua tan đi những ưu phiền trong cuộc sống. Nếu đến Hà Nội vào mùa đông thì cầu Long Biên còn là nơi lý tưởng để nhâm nhi món ngô, khoai nướng nóng hổi và thơm lừng.

Đó là những thông tin chính về cây cầu Long Biên. Chúng tôi xin được dành khoảng thời gian tiếp theo để quý anh/chị có thể cảm nhận và khám phá theo cách riêng của mình.

LƯỢT VỀ

  • Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi và các nghệ nhân phố lò rèn.

Khi nhắc tới cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử, chúng ta lại không khỏi băn khoăn bởi những câu hỏi như. Có phải khi xây dựng cầu thì người pháp mang toàn bộ nguyên liệu từ pháp qua? hay Những nghệ nhân phố lò rèn có liên quan gì tới cầu Long biên hay không?,… . Đúng vậy, gắn liền với quá trình hình thành của câu cầu luôn có sự xuất hiện của những nghệ nhân phố lò rèn và nhà tư sản nổi tiếng thời bấy giờ mang tên BẠCH THÁI BƯỞI.

Chúng ta cùng làm rõ thêm 1 chút nhé:

Bạch Thái Bưởi người được mệnh danh là “Ông vua tàu thủy” (1874 – 22 tháng 7 năm 1932) là một doanh nhân người Việt đầu thế kỷ 20. Lúc sinh thời, ông được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20. Với câu ví nổi tiếng nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi.

Năm 1895, ông được Phủ Thống sứ Bắc kỳ chọn làm người giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux, nơi ông đã được tiếp xúc trực tiếp với xã hội phương Tây.

Khi về nước, với kiến thức và kinh nghiệm thu được trong thời gian ở Pháp, ông đã xin làm giám đốc công trình cầu Long Biên. Phát hiện thấy người Pháp đang cần gỗ xây dựng đường sắt, Bạch Thái Bưởi đã hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hoả xa Đông Dương.

Bên cạnh nhà tư sản nổi tiếng Bạch Thái Bưởi, các nghệ nhân phố lò rèn là những người trực tiếp làm ra những đinh tán, li vê,…. theo bản thiết kế của người Pháp. Thông qua đây, chúng ta có thể thấy được trình độ về tay nghề của những nghệ nhân phố lò rèn tuyệt vời như thế nào.

  • Phía bên kia (cầu Chương Dương) và cuộc sống sinh hoạt người dân dưới cây cầu Long Biên

Trên cung đường chúng ta đang di chuyển, quý anh/ chị có thể nhìn thấy phía xa bên tay trái của mình đó chính là cây cầu cầu Chương Dương. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Tại cây cầu này các kỹ sư cầu đường của Việt Nam tự thử sức mình để có thể tự thiết kế và thi công các cây cầu lớn khác.

  • Cuộc sống của người dân dưới cầu Long Biên

Dưới chân cầu Long Biên từ nhiều năm nay là nơi sinh sống của một dãy trọ tập hợp toàn dân ngụ cư. Họ gồm những người từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, chủ yếu làm các công việc buôn bán ngay trong chợ. Khu xóm trọ này lâu nay được biết đến như “vựa” rác thu nhỏ của Thủ đô. Bởi cứ có bao nhiêu rác thải từ chợ, từ nhà dân, thậm chí từ đâu đâu theo đường cống đổ về làm ngột ngạt cả không gian sống.

Người dân nơi đây sợ đến nỗi, họ hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc gì quá cấp bách. Tốt nhất cứ “trốn”, hoặc nếu phải ra ngoài thì bịt mũi chạy thật nhanh.

  • Ga Long Biên:

Ga Long Biên trước kia có tên gọi khác là ga Đầu Cầu, được đưa vào hoạt động từ năm 1902. Cùng với ga Hà Nội, ga Long Biên là nhà ga đường sắt có tuổi đời thuộc hàng lâu nhất của Việt Nam. Ga rộng 500m2, mặt tiền hướng ra đường đầu cầu Long Biên, là một trong những công trình kiến trúc lâu năm, nằm ở điểm giao thương nhộn nhịp hàng đầu Hà Nội.

Để có được diện mạo mới mẻ hiện tại, ga Long Biên đã trải qua một đợt tổng sửa chữa, chỉnh trang kéo dài gần 6 tháng trời. Sau quá trình trùng tu cải tạo, nhà ga chính thức hoạt động trở lại vào cuối tháng 8/2019. Từ đó đến nay, lượng hành khách và khách du lịch đến với ga Long Biên đã tăng lên đáng kể, nhất là du khách người nước ngoài và các bạn trẻ tới tham quan, chụp ảnh. Ngoài khu vực nhà ga, sân ga nối liền cầu Long Biên cổ kính cũng là điểm giới trẻ ưa thích chụp ảnh lưu niệm.

4.Phố Trần Nhật Duật (giới thiệu ngắn)

Trần Nhật Nhật hay còn được biết tới với danh là Chiêu Văn Đại Vương. là một nhà chính trị, quân sự Đại Việt thời Trần. Ông là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông và là một danh tướng của vương triều nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, đặc biệt là trận Hàm Tử.

Sau khi ông qua đời, nhiều nơi đã lập đền thờ để tưởng nhớ ông. Cuộc đời ông được biết đến qua các bộ chính sử Việt Nam, sớm nhất là Đại Việt Sử ký Toàn thư – Kỷ nhà Trần. Ngày nay tại Việt Nam đang có những con đường, phố và ngôi trường mang tên ông.

4.Ô quan chưởng:

“Ở đâu năm cửa nàng ơi?” câu hỏi dân gian gắn liền với di tích năm cửa ô nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa. Trải qua những biến cố của thời gian, ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đống Mác, đều không còn tồn tại, chỉ có duy nhất ô Quan Chưởng sót lại cho đến tận hôm nay.

Được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long, cách bến sông Hồng xưa chỉ khoảng 80 mét, Ô Quan Chưởng là 1 trong 5 cửa ô còn sót lại cho đến ngày nay. Ô Quan Chưởng còn được biết đến với cái tên Đông Hà Môn (cửa Đông Hà – cửa ô ở phường Đông Hà trước kia).

Trước kia, đây là nơi tập trung buôn bán chiếu cói, sản phẩm của những vùng ven biển như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình được người dân đưa lên Thăng Long – Hà Nội bằng đường sông. Việc xây dựng Ô Quan Chưởng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, giao lưu buôn bán từ các vùng khác với kinh thành. Trải qua các biến cố của thời gian, công trình đã được tu sửa hai lần qua các đời vua Gia Long thứ 3 (1804) và Gia Long thứ 16 (1817).

Cái tên Ô Quan Chưởng gắn liền với công lao và sự hi sinh anh dũng của một viên quan Chưởng Cơ, người đã quyết tâm chiến đấu chống quân Pháp đến cùng khi chúng tấn công Hà Nội ngày 20/11/1873. Theo tài liệu xưa ghi lại, sau khi chiếm được Hà Nội, để mở rộng thành phố, thực dân Pháp đã cho phá hết các cửa ô cùng với các con đê cũng như phá bỏ cả thành cổ Hà Nội. Tuy nhiên, dưới sự đấu tranh quyết liệt của dân chúng và cai tổng Đồng Xuân Đào Đăng Chiểu nên Ô Quan Chưởng vẫn còn giữ được đến ngày nay.

5.Giới thiệu khái quát về 36 phố phường và các con phố đạp xe qua

Giới thiệu khái quát về Hà Nội 36 phố phường:

Nằm ở phía bắc và tây của quận Hoàn Kiếm, Phố cổ Hà Nội là nơi tập trung của 36 phố phường theo cách gọi của người xưa như hàng Ngang, hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, hàng Chiếu, hàng Tre, hàng Đường, hàng Bạc, hàng Buồm, hàng Trống, hàng Mành.

Nằm giáp phía Đông của phố cổ là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Nam là các tuyến phố, phía Bắc đến phố Hàng Đậu. Là nơi tập trung đông dân cư sinh sống nhưng mỗi con phố ở đây đều mang một đặc trưng riêng biệt, là điểm nhấn không thể bỏ qua khi đến với Hà Nội.

Khu phố cổ được bảo tồn và gìn giữ ngày nay là một hình ảnh thu nhỏ của Hà Nội 36 phố phường xưa. Đến thăm phố cổ quý đoàn sẽ phần nào mường tượng được văn hóa, kinh tế xã hội và con người Thăng Long Hà Nội xưa cũ.

Nét đặc trưng nhất của Khu phố cổ chính là các phố nghề. Từ các làng nghề quanh thành Thăng Long xưa, các thợ thủ công nổi tiếng của Hà Nội tụ tập về đây theo từng khu vực làm nghề cùng nhau tạo nên các khu phố nghề truyền thống. Một số phố nghề nổi tiếng của Hà Nội 36 phố phường xưa mà quý đoàn mình sẽ di chuyển qua bao gồm:

  • Hàng chiếu:

Phố Hàng Chiếu dài 275m, phía đông nối phố Ô Quan Chưởng tại ngã tư Thanh Hà – Đào Duy Từ, phía tây nối phố Hàng Mã ở ngã tư Hàng Đường – Đồng Xuân; đoạn giữa cắt ngang ngã tư Hàng Giầy – Nguyễn Thiện Thuật.

Hàng Chiếu là con phố đầu tiên mà Pháp có ý định mở mang sau khi chiếm được Hà Nội. Năm 1888, chính quyền thực dân nhân có đám cháy lớn đốt trụi cả dãy phố cũ đã bắt dân phố mua gạch xây lại nhà theo kiểu Tây, nếu không có tiền thì phải bán nhà với giá rẻ. Phố từ đó có vỉa hè, cống rãnh, cây xanh, cột đèn được xây dựng trở thành một tuyến phố hiện đại.

  • Hàng Đồng:

Phố Hàng Đồng hiện nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Phố dài khoảng 130m theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Đầu phố phía Đông Bắc là ngã tư giao với các phố Hàng Rươi và Hàng Mã. Đầu phố phía Tây Nam là ngã tư giao với các phố Hàng Vải, Bát Sứ và Lãn Ông.

Phố Hàng đồng là một nơi duy nhất cung cấp mâm, soong, nồi, chảo được gia công bằng vật liệu đồng cho cả kinh thành Thăng Long. Từ những vật dụng thông thường đó, sau này những người thợ gò đã cải tiến, làm ra cả những mâm giả cổ, quả cầu, đĩa mỹ nghệ bằng đồng để dùng trang trí… Ngoài ra người dân ở đây còn kinh doanh những mặt hàng là đồng đúc như hạc, đỉnh, lư hương, bát hương, lọ hoa được thu mua lại từ các làng nghề Hè Nôm (Hưng Yên), Ngũ Xá (Hà Nội).

  • Bát sứ:

Phố Bát Sứ dài 192m, rộng 6m. Từ số nhà 19 Hàng Vải đến số nhà 28 Bát Đàn, cắt ngang qua phố Hàng Phèn.

Thời Pháp thuộc có tên là phố Hàng Chén, năm 1945 đổi thành phố Hàng Bát Sứ, đến năm 1951 chia ra làm 2 đoạn: Từ Hàng Mã đến Hàng Vải là phố Hàng Đồng; Từ Hàng Vải trở xuống là phố Hàng Bát Sứ, tên phố hiện nay được chính thức gọi từ sau năm 1954.

  • Bát Đàn

Phố Bát Đàn dài 248m, nay thuộc 2 phường Hàng Bồ và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng tây-bắc. Phố chạy theo hướng đông-tây, nối phố Hàng Bồ tại ngã ba Thuốc Bắc – Hàng Thiếc, đi qua các ngã phố Bát Sứ, Hàng Điếu – Hàng Gà, Đường Thành – Nhà Hỏa rồi đổ vào phố Phùng Hưng.

Phố Bát Đàn ở trên địa phận vốn của các thôn Nhân Nội và Tân Khai, đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Thời Pháp thuộc, người Pháp đổi tên là Rue Vieille des Tasses (“Phố cũ Hàng Chén”). Từ năm 1945, phố lại được trở về tên gốc.

Trước năm 1946, phố Bát Đàn có khá nhiều nhà cổ, ít khi cao hơn hai tầng, cửa sổ nhìn ra đường, bên trong nhà có một đến hai sân, giếng trời, bể nước, gác nhà cầu, gác sân thượng. Thời kỳ này, người dân Việt Nam chỉ sinh hoạt, buôn bán tấp nập từ quãng ngã tư Hàng Bồ – Thuốc Bắc – Hàng Thiếc đến ngã tư Hàng Gà – Hàng Điếu. Còn trên đoạn phố phía tây kéo đến Đường Thành, Phùng Hưng chủ yếu là nơi ở của các kiều dân Nhật Bản và Trung Hoa.

  • Hàng Bạc:

Phố Hàng Bạc ngày trước có ba nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn và nghề đổi tiền. Những người làm nghề đúc bạc đều là dân làng Trâu Khê (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Tương truyền đời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) có ông Lưu Xuân Tín, người làng này, làm Thượng thưu bộ lại, được vua cho phép lập một xưởng đúc bạc nén ở Kinh thành. Ông đưa người làng ra làm nghề này. Làng Trâu Khê vốn có năm giáp: giáp Nhất, giáp Nhị, giáp Đông, giáp Tây xuyên, giáp Trung. Cả năm giáp đều có người lên kinh đô, làm lại “Tràng” đúc bạc (nay là số nhà 58)

Ngoài nghề đúc bạc ra, người Trâu Khê ở đây còn làm cả nghề đổi tiền, đổi bạc. Nguyên là thời xưa, ta chưa có tiền bằng bạc giấy, mà bằng tiền đồng, tiền kẽm, bạc vụn, bạc nén. Hễ khi cần chi một khoản tiền lớn mà dùng tiền đồng, tiền kẽm hay bạc vụn thì cồng kềnh, lích kích lắm, ngược lại khi tiêu dùng nhỏ mà trong tay chỉ có bạc nén thì cũng phiền. Cho nên phải đến Hàng Bạc mà đổi.

  • Ngõ ẩm thực Tạ Hiện

Phố Tạ Hiện là khu phố đêm náo nhiệt nhất ở Hà Nội, với tuyến phố đi bộ nối dài từ Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến – Hàng Bạc thông sang Hàng Ngang – Hàng Đào. Người dân vẫn quen gọi nơi này là ngõ Quảng Lạc bởi ở giữa phố là nơi tọa lạc của rạp hát nổi tiếng nhất nhì Hà thành thời bấy giờ – Rạp hát Quảng Lạc. Là nơi diễn tuồng chèo nức tiếng ở thủ đô, Quảng Lạc được xem là chốn thưởng thức thi ca đầy sống động và náo nhiệt của giới thượng lưu. Xung quanh rạp hát tấp nập những cửa hàng ăn uống, giải khát phục vụ khách xem và dạo chơi đêm.

Từ những cửa tiệm bán cháo, phở, mì vằn thắn hay những quán bia đông đúc người qua lại cho đến gánh hàng rong bán chè, bánh rán, bánh bao,…; tất cả đều tạo nên khung cảnh sinh hoạt tấp nập, ồn ã của khu phố nhỏ về đêm. Từ năm 1945, khu phố được đổi thành phố Tạ Hiện, được đặt tên theo một vị lãnh tụ phong trào Cần Vương tại địa bàn tỉnh Thái Bình – Tạ Quang Hiện (1841-1887)

  • Hàng bè

Phố hàng bè có tổng chiều dài là 170m, Theo các nhà nghiên cứu địa lý thì đất Hàng Bè vốn là một khúc của con đê cũ. Khi dòng chảy còn ở sát chân đê thì các bè gỗ, nứa, tre, song, mây, lá gồi từ miền ngược xuôi về thường áp vào đây để đem lên chợ tiêu thụ, thành ra khúc đê này có tên Hàng Bè, chợ trên đê là chợ Hàng Bè.

Khi cát bồi đưa lòng sông ra xa, bè mảng không áp sát vào chân đê được nữa thì phố này trở thành nơi buôn bán cau, nên còn có tên phố Hàng Cau. Người dân đã đắp một con đê mới cách xa đê cũ và gọi là Bè Thượng.

  • Phố Cầu gỗ

Có tổng chiều dài là 250m, Phố được đặt tên là Cầu Gỗ vì con phố có một cây cầu bắc qua con lạch nhỏ nối hai hồ Thái Cực (hay còn gọi là hồ Hàng Đào, đã bị Pháp lấp đi để xây nhà) và Hoàn Kiếm lại với nhau. Thời cổ, đây là phố cho các học trò trọ xung quanh đến ăn cơm. Đến thời Pháp thuộc, phố mang tên là Cầu Gỗ, là con phố chính của Hà Nội cổ. Các ngôi nhà trên phố lúc đấy đều được xây theo kiểu cổ, một tầng và có gác xép.

Ngày xưa, Sơn và dầu là 2 sản phẩm chính được bày bán ở khu vực Phố Cầu Gỗ

  • Hồ gươm ( đài nghiên, tháp bút, đền ngọc sơn, cầu thuê húc và tháp rùa)
  • Hồ gươm

Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm tọa lạc ngay trung tâm thủ đô Hà Nội và được bao quanh bởi 3 con phố Hàng Khay – Lê Thái Tổ – Đinh Tiên Hoàng.

Hồ đã có từ rất lâu, khoảng vài nghìn năm trước, song trước khi mang tên chính thức là Hoàn Kiếm, hồ có rất nhiều tên gọi gắn liền với những câu chuyện khác nhau chẳng hạn như tên hồ Lục Thủy vì nước hồ có màu xanh biếc quanh năm, hồ Thủy Quân vì đây là nơi triều đình dùng để duyệt thủy binh…

Tên gọi Hoàn Kiếm chính thức xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần sau khi mượn gươm chiến đấu, đánh tan giặc Minh, chính thức lên làm vua và gây dựng triều đại nhà Lê thịnh vượng.

Truyền thuyết kể lại rằng, khi Lê Lợi đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa chống lại quân Minh, ông tình cờ bắt được thanh gươm Thuận Thiên. Nhờ có thanh gươm báu này mà ông thắng trận liên tiếp, lên ngôi vua đầu năm 1428.

Trong một lần cùng quần thần dạo thuyền trên hồ Lục Thủy, chợt rùa vàng nổi lên. Khi vua tuốt gươm chỉ vào, rùa liền ngậm gươm lặn xuống đáy hồ và không nổi lên nữa. Nghĩ rằng đó là ý trời cho mượn gươm đánh giặc mà nay thiên hạ thái bình nên sai rùa đến đòi gươm. Từ đó, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên khoảng cuối thế kỉ 16, chúa Trịnh cho ngăn hồ thành hai phần tả – hữu, lấy tên là Vọng. Sau đó đến năm 1884, hồ Hữu Vọng bị thực dân Pháp lấp đầy để mở mang thủ đô, còn hồ Tả Vọng được giữ lại chính là hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) ngày nay.

  • Đài nghiên – tháp bút:

Tháp Bút tính đến hiện nay đã hơn 150 tuổi. Tháp Bút, theo ý tưởng của Thần Siêu là tượng trưng cho nền “văn vật”, hiểu nôm na là một công trình hiện vật mang tính dân tộc, có giá trị về mặt nghệ thuật

Tháp dựng trên một cái gò do đá hộc xếp thành, gò này tượng trưng cho 1 ngọn núi có tên là Độc Tôn. Tháp dạng vuông, gồm 5 tầng, đường kính 12m, cao 28m. Đỉnh tháp có hình dạng một ngòi bút dựng ngược, do đó được gọi là Tháp Bút. Cán và ngòi bút trên đỉnh tháp cao khoảng 0,9m. Trên thân tháp, ở vị trí của 3 tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ “Tả Thanh Thiên” có nghĩa là “Viết lên trời xanh”. Rất nhiều ý nghĩa có thể phân tích từ ba chữ này: có thể là giãi bày tấm lòng với trời xanh, là cảm hứng đầy tráng khí, là tâm hồn rộng mở bao la, … nhưng chung quy lại, vẫn là thể hiện cái hùng tâm tráng chí của các bậc sĩ phu yêu nước thời bấy giờ.

Đã có bút thì chắc chắn phải có nghiên. Nằm ở đầu cầu Thê Húc chính là Đài Nghiên. Nghiên được đặt trên tòa cửa đầu tiên dẫn vào đền Ngọc Sơn. Nghiên mực được làm bằng đá xanh, đẽo tạc khéo léo theo hình dáng của nửa quả đào cắt ngang theo chiều dọc và được khoét lõm, nghiên mực này được ba con thiềm thừ (con cóc ba chân) đội trên đầu. Trên thân của nghiên được khắc một bài minh thuộc thể thơ Cổ phong – thể thơ ra đời vào thời nhà Đường (Trung Quốc) không theo niêm luật, không hạn chế số câu, số chữ. Bài minh trên Đài Nghiên gồm 64 chữ Hán (tứ ngôn thi) mà tác giả chính là Nguyễn Văn Siêu.

  • Đền Ngọc Sơn 

Nằm ở đảo Ngọc ngay trong lòng hồ Hoàn Kiếm. Ngôi đền được xây dựng vào thế kỉ thứ 19. Xưa kia, đây vốn là ngôi đền thờ Quan đế để trấn áp những điều ác. Sau nơi này được đổi thành chùa thờ Phật, cuối cùng lại được tu sửa thành ngôi đền như ngày nay. Kiến trúc của đền Ngọc Sơn thể hiện khá rõ nét sự hòa hợp về tôn giáo qua nghìn năm văn hiến. Đó là một điển hình về không gian và kiến trúc tuyệt tác. Được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Tam, đền Ngọc Sơn là nơi thờ thần Văn Xương Đế Quân (chủ quản văn chương, khoa cử) và thờ đức thánh Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, nơi đây cũng thờ Phật A-di-đà, Lã Động Tân, Quan Vân Trường. Qua đó thể hiện rất rõ quan niệm “tam giáo đồng nguyên” của người Việt với ý nghĩa đoàn kết, hòa hợp tôn giáo. Sự hòa hợp của các tôn giáo này không chỉ thể hiện rõ ở việc thờ cúng mà còn trong cả kiến trúc, xây dựng, hệ thống câu đối, hoành phi, vật bài trí ở đền Ngọc Sơn.

Để đến được đền Ngọc Sơn, quý đoàn sẽ phải đi qua cầu Thê Húc để đi được vào đền. Cây cầu có màu đỏ phần chân được tạo nên từ những chiếc trụ lớn. Tên của cầu là Thê Húc mang ý nghĩa “Nơi đón ánh sáng mặt trời lúc sáng sớm” hay “Ngưng tụ hào quang”

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/06/den-ngoc-son.jpg.jpg

  • Phố tràng tiền (ăn kem)

Phố Tràng Tiền bắt đầu từ khu vực Hồ Hoàn Kiếm ở phía tây, nối với phố Hàng Khay, còn phía đối diện, phía đông kéo dài tới Nhà hát Lớn Hà Nội. Mặc dù phố Tràng Tiền không dài nhưng nó có một vị trí khá quan trọng. Có rất nhiều hiệu sách và cửa hàng trên phố Tràng Tiền. Phố còn nổi tiếng với kem Tràng Tiền. Một đoạn phố nối với phố Hàng Khay giờ đã trở thành khu phố đi bộ vào tối thứ bảy đến chủ nhật.

  • Nhà hát lớn

Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc tại thành phố Hà Nội, phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền, Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu nhà hát Opera Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với các điều kiện khí hậu địa phương.

Tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền nam nước Pháp, có cách tổ chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối sảnh… giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20.

Không chỉ là một công trình kiến trúc nổi tiếng của Thủ đô, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945. Đó là các sự kiện: Mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh (17-8-1945) – tiền đề cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (19-8-1945), sau đó lan rộng khắp cả nước…

Ngày 16-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ vàng quyên góp ủng hộ Chính phủ lâm thời kháng chiến tại đây. Nhà hát Lớn cũng là nơi diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhiều năm tiếp theo, cho tới năm 1963, khi Hội trường Ba Đình hoàn thành xây dựng.

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/11/congvienmonhahatlon-300x180.jpg

  • Đại học dược:

Ngày 8 tháng 1 năm 1902, Trường Y khoa Hà Nội được Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập. Ngày 26 tháng 7 năm 1909, chính phủ Pháp ra sắc lệnh quy định một số vấn đề về đào tạo Dược. Năm 1914, Ban Dược được thành lập, việc đào tạo Dược sỹ bắt đầu được thực hiện từ đó. Chương trình học ba năm đối với khoa Dược. Tốt nghiệp được cấp bằng Dược sĩ Đông dương (tương đương dược sĩ trung cấp ngày nay). Khóa tốt nghiệp đầu tiên năm 1917 chỉ có bốn người.

Năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, lấy tên là Trường Đại học Y Dược Hà Nội do Giáo sư Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng.

Mặc dù là một cơ sở đào tạo đại học y dược còn non trẻ lúc bấy giờ, nhưng được sự quan tâm đầu tư và chiến lược phát triển dựa trên nguồn lực sẵn có về đội ngũ và cơ sở vật chất dùng chung của ĐHQGHN, chỉ sau 2 năm thành lập, Trường Đại Học Y Dược đã hoàn thiện về cơ bản các điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo chất lượng đào tạo, tuyển sinh và tổ chức giảng dạy các khóa đầu tiên của 2 ngành Y (Bác sĩ) đa khoa và Dược học.

  • Lý thường kiệt

Với tổng chiều dài lên tới 1,8 km. Đây là con phố mang tên vị tướng tài Lý Thường Kiệt của dân tộc. Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) là một nhà quân sự, nhà chính trị cũng như hoạn quan rất nổi tiếng vào thời nhà Lý nước Đại Việt. Ông làm quan qua 3 triều Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và đạt được nhiều thành tựu to lớn, khiến ông trở thành một trong hai danh tướng vĩ đại nhất nhà Lý, bên cạnh Lê Phụng Hiểu.

  • Nhà tù hỏa lò

Nhà tù Hỏa Lò ở địa chỉ số 1 phố Hỏa Lò, Hà Nội. Xưa, cùng đất này thuộc thôn Phụ Khánh.

Phụ Khánh là một thôn chuyên làm các loại ấm đất, siêu đất và các loại hoả lò bằng đất (nung và để mộc), đem bán khắp kinh kỳ, nên địa danh này có tên là làng Hỏa Lò. Khi Pháp chiếm Hà Nội, chúng chuyển dân làng đi nơi khác, dỡ bỏ chùa Lưu Ly, chùa Bích Thư và chùa Bích Hoạ để lấy đất xây toà án và nhà tù. Do ở trên đất thôn Hỏa Lò nên nhà tù được người dân gọi là “Nhà tù Hỏa Lò”.

Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 và lấy tên là “Nhà tù Trung ương”. Vị trí mặt bằng của nhà tù nằm trọn trên mảnh đất hình thang thuộc thôn Phụ Khánh. Đối diện với nhà tù về phía đông là toà án, phía tây nam giáp phố Thợ Nhuộm, phía tây giáp phố Richaud (ngày nay là phố Quán Sứ), phía bắc giáp với đường Rollandes (nay là phố Hai Bà Trưng). “Tổng diện tích Nhà tù Trung ương và những đường lân cận dẫn đến nhà tù là 12.908m2. Ước tính chi phí xây dựng toàn bộ công trình là 1.212.434 đồng Đông Dương”.

Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp đặt vào vị trí quan trọng nhất trong mưu đồ trấn áp những người đối kháng chế độ thuộc địa. Vì vậy, chúng đã cho xây dựng nhà tù này với quy mô lớn và kiên cố vào loại bậc nhất ở Đông Dương. Theo thiết kế được duyệt năm 1896, nhà tù Hỏa Lò bao gồm các hạng mục công trình sau đây:

  1. Một nhà dùng cho việc canh gác
  2. Một nhà dùng làm bệnh xá
  3. Một nhà dùng làm nhà thương bố thí
  4. Hai nhà dùng để giam bị can (chưa thành án)
  5. Một nhà dùng để làm phân xưởng thợ mộc, sắt, may, da
  6. Năm nhà dùng để giam tù nhân đã thành án
  7. Bốn trại xà lim để giam tử tù, tù nhân nguy hiểm, tù nhân vi phạm nội quy nhà tù.

Bao quanh nhà tù là một bức tường xây kiên cố bằng đá cao 4m, dày 0,5m, trên cắm mảnh chai và chăng dây điện áp cao thế để ngăn cản tù nhân vượt ngục. Dưới chân tường phía trong là một vỉa hè rộng 3m dùng cho lính gác đi tuần tra xung quanh khu vực trại giam. Bốn góc có bốn tháp canh, có khả năng quan sát toàn bộ phía trong đường tuần tra và xung quanh phía ngoài nhà tù.

Từ sau ngày hoà bình lập lại (10/10/1954), nhà tù được đổi tên là “Trại tạm giam phạm nhân Hà Nội” và giao cho Ủy ban Quân quản Hà Nội, trực thuộc quyền quản lý của Công an thành phố. Trong những năm 1964 đến năm 1973, nhà tù Hỏa Lò còn là nơi giam giữ những phi công Mỹ.

Hiện nay, di tích nhà tù Hỏa Lò đã trở thành “Địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô;  nơi thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

  • Hai bà trưng, phố thợ nhuộm

Phố Hai Bà Trưng được đặt theo tên của hai bà – Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai nữ anh hùng dân tộc đầu tiên của Việt Nam, xuất thân từ dòng dõi lạc tướng đất Mê Linh thời Hùng Vương. Hai Bà Trưng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa (40 – 43 sau Công Nguyên) chống ách đô hộ của nhà Hán (Trung Quốc), giành độc lập cho đất nước.

Tuy chỉ dành độc lập đất nước trong một thời gian ngắn, nhưng Hai Bà Trưng đã được suy tôn lên hàng vua chúa vì đẫ có công quét sạch giặc thù khỏi bờ cõi giành độc lập chủ quyền, đứng đầu đất nước độc lập trong lịch sử sơ khai của Việt Nam.

  • Hàng bông

Phố Hàng Bông có tổng chiều dài 932m. Nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm.

Phố Hàng Bông mới chỉ xuất hiện khoảng vài chục năm nay, dùng để gọi gộp nhiều phố. Trước đó, phố này chia ra nhiều đoạn phố khác nhau với những tên gọi riêng như hàng hài, hàng bông đệm,…

Phố Hàng Bông là dãy phố còn giữ được khá nhiều đình miếu cổ: đền Phúc Hậu, đình Tam Thánh, đình Lương Ngọc, đình Kim Hộ, đền Vọng Tiên, đình Thiên Tiên, đình Đông Mỹ…

  • Cấm chỉ

Mang trên mình cái tên rất độc, Cấm Chỉ là 1 con đường ngắn, thông giữa phố Hàng Bông và Tống Duy Tân. Nhưng liệu các bạn đã biết vì sao người ta lại đặt cho nó cái tên này?

Theo người xưa kể lại, trong thời gian bị giam lỏng, biết mình khó qua nổi đại nạn lâm đầu nên vua Lê Chiêu Tông đã để lại “giọt máu hoàng tộc” với 1 người phụ nữ dân gian. Sau này, bà hạ sinh 1 đứa bé và đặt tên là Chổm (tên thật là Lê Duy Ninh).

Do sống trong cảnh nghèo khổ từ nhỏ nên cậu bé thường phải làm lụng thêm cùng mẹ để trang trải cuộc sống. Nhưng lạ là, sau mỗi chiều đi làm về, Chổm thường ăn ở những gánh hàng nhỏ, nhưng cứ hàng nào có cậu ngồi thì khách đến đông, đồ bán chạy như tôm tươi, còn những chỗ khác thì ế chỏng chơ.

Chính vì được coi là người mang may mắn nên Chổm thường được các bà chủ cho ăn chịu, chỉ cần ghi nợ là được bởi chắc chắn kiểu gì hôm đó cũng đông khách. Cứ như vậy, thành thói quen, cậu nợ ngày một nhiều nhưng cũng có lời hứa sau này làm ăn phát đạt nhất định sẽ trả đủ.

Không bao lâu sau, trung thần của triều cũ là Nguyễn Kim tìm và đón được 2 mẹ con Chổm về và tôn làm vua. Trên đường trở về kinh thành, những bà chủ cửa hàng trước đây cho Chổm ăn nợ ghi sổ nhận ra, ùn ùn kéo đến chỉ chỏ đòi nợ, có cả những người không biết gì cũng hùa theo.

Mà Chổm ăn nợ nhiều, làm sao nhớ hết mặt bao nhiêu con người phía trước để mà trả, thế nên quyết định miễn thuế 1 năm cho nhân dân trong vùng, coi như đó là để xóa nợ xưa. Đồng thời cho viết 1 bảng ghi “Cấm Chỉ” đặt ở gần của Nam để cấm dân tình sau này thấy vua không được chỉ chỏ đòi nợ nữa. Và cũng từ đó, đoạn đường ngắn năm nào được đặt tên thành Cấm Chỉ, nay nó nằm giữa phố hàng Bông và Tống Duy Tân

  • Tống duy tân

Nối từ phố Trần Phú đến đường Điện Biên Phủ, nguyên là con đường chạy dọc cạnh phía đông của thành dương mã bảo vệ cửa đông nam thành Thăng Long. Thời Pháp thuộc, đây là phố Bơ-ruýt-xô . Tên hiện nay được đặt từ tháng 6-1964 thay cho tên phố Kỳ Đồng.

Tống Duy Tân (1837 – 1892) người làng Đông Biện, Thanh Hóa, đỗ tiến sĩ năm 1875. Ban đầu làm đốc học Thanh Hóa sau chuyển làm chánh sứ sơn phòng, coi giữ vùng thượng du phía tây tỉnh này. Giặc Pháp xâm lược, ông bỏ quan, cùng các thân sĩ yêu nước tổ chức khởi nghĩa. Cùng với Cao Điển, ông lập căn cứ ở Hùng Lĩnh vào năm 1886. Các trận đánh đồn Vân Đông, Vạn Lại, Yên Lược, huyện lỵ Nông Cống là những chiến thắng đáng kể của nghĩa quân Hùng Lĩnh. Nhưng tới những năm 1891-1892, nghía quân gặp nhiều khó khăn, nhất là về lương thực, vũ khí. Tống Duy Tân phải rút về Niên Kỷ, một bản làng hẻo lánh ở huyện Lang Chánh. Ai ngờ, Cao Ngọc Lễ, cháu gọi ông bằng cậu, lại là học trò của ông, đang làm tri phủ Quảng Hóa dò biết và dẫn Pháp tới bắt ông. Thực dân tìm mọi cách mua chuộc nhưng ông không đầu hàng. Cuối cùng chúng đem ông ra chém ở chợ tỉnh Thanh Hóa.

  • Đường tàu Phùng Hưng

Khu phố này vô cùng đặc biệt với tuyến đường sắt len lỏi qua khu phố cổ, băng qua trước hiên nhà của người Hà Nội. Nơi đó, cư dân thường gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương “Phố đường tàu” hay “Xóm đường tàu”.

Tại khu phố Khâm Thiên, Lê Duẩn, Phùng Hưng (Hà Nội), những nơi có đường tàu chạy qua bỗng thu hút rất đông khách nước ngoài đến tham quan. Ga Hà Nội tồn tại bao nhiêu năm, thì cũng bấy nhiêu năm những tuyến đường sắt chạy quanh co khắp thành phố lặng lẽ hoà mình với nhịp sống nơi này. Người ta gọi với cái tên dung dị là “xóm đường tàu”. Như bất kỳ thôn xóm nào, xóm đường tàu có đủ mọi sắc âm của cuộc sống, với đủ chuyện buồn vui cũ mới không lẫn vào đâu được.

Như hai đứa trẻ trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Thạch Lam, cư dân nơi xóm đường tàu cũng háo hức, rộn ràng mỗi khi chuyến tàu đêm khi qua phố thị. Dọc các căn nhà hay tiệm cà phê bé xinh san sát hai bên đường ray đều dán lịch chạy của tàu để người dân và du khách biết đến. Chỉ cần liếc qua thôi sẽ thấy, à 21h30 có tàu qua, họ sẽ ý thức chuẩn bị tâm lý “né” tàu để đảm bảo an toàn. Tàu chạy vào buổi đêm và rạng sáng nên thời gian ban ngày, nơi đây vắng vẻ.

Du khách nước ngoài thường bắt đầu đi vào đoạn đường sắt siêu hẹp ở điểm giao cắt phố Điện Biên Phủ hoặc điểm giao cắt phố Phùng Hưng, và kết thúc hành trình ở đoạn phố Phùng Hưng sau khi đã có trải nghiệm đặc biệt. Bây giờ chẳng cần đi đâu xa, ghé xóm đường tàu du khách đã có những bức ảnh “sống ảo” như được chụp bên Đài Loan.

  • Cửa đông

Phố Cửa Đông là một đường phố mới mở ở sát khu quân sự trong thành lại là chỗ tường và hào cũ, nên đất ở đây là đất công đem phát mại, chủ đất hầu hết là người Tây và một số Hoa Kiều làm giàu nhờ có Tây sang, người Việt Nam chỉ có cô Tư Hồng người thầu phá thành; mãi sau nhà đất ở Cửa Đông mới thay đổi chủ nhiều lần và chủ người Việt Nam trở thành khá đông.

Phố Cửa Đông chia làm hai đoạn: đoạn từ Cổng Tỉnh đến Cầu Sắt có những ngôi nhà hai tầng to cao hiện đại, gồm một hay hai gian quay ra mặt đường, hầu hết mở cửa hàng phục vụ cho các quan binh trong thành.

Đoạn từ Cầu Sắt đến phố Hàng Gà: bên số chẵn phía Bắc, có nhiều nhà làm theo kiểu biệt thự, nhà to, bề thế, ngoài có rào sắt. Bên số lẻ toàn nhà gác hai tầng, làm ra đến sát hè phố.

Đầu phố Cửa Đông, chỗ ngã tư Hàng Gà, quang cảnh tấp nập hơn những chỗ phố chung quanh.

Phố Cửa Đông còn là nơi xuất phát cho những đám rước đèn của lính trong thành tối thứ bảy.

  • Lý nam đế

Phố Lý Nam Đế với chiều dài 1km, từ phố Phan Đình Phùng đến giáp đầu phố Trần Phú, chạy theo chân tường phía đông thành Thăng Long thời Nguyễn, nay thuộc hai phường Hàng Mã và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Phố này mang tên Lý Nam Đế – một vị vua tài đức của Việt Nam (503 – 548). Ông đã sáng lập ra nhà Tiền Lý. Ông tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn, người hương Thái Bình, trấn Sơn Tây. Ông khởi nghĩa năm 542, đánh đuổi quân đô hộ thống trị nhà Lương, lên ngôi vua năm 544, xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (gần thành phố Bắc Ninh bây giờ).

  • Cột cờ hà nội

Cột cờ Hà Nội còn được có cái tên khác là Kỳ đài Hà Nội, được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 và nay nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Trải qua bao nhiêu năm nhưng công trình này vẫn còn nguyên vẹn và giá trị nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long sau cuộc kháng chiến Pháp và chống Mỹ.

Được xây dựng từ năm 1805 đến 1812 dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn để làm đài quan sát.

Cấu trúc của cột cờ bao gồm: Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch.

Tầng 1: Mỗi chiều 42,5 m; cao 3,1 m

Tầng 2: Mỗi chiều 27 m; cao 3,7 m

Tầng 3: Mỗi chiều 12,8 m; cao 5,1 m; có 4 cửa, trừ cửa Bắc, 3 cửa còn lại đều có đắp 2 chữ tuỳ theo từng hướng.

  • Cửa Đông – Nghênh Húc (đón nắng ban mai)
  • Cửa Nam – Hướng Minh ( hướng về ánh sáng)
  • Cửa Tây – Hồi Quang ( ánh sáng phản hồi)

Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang xoắn dẫn lên.

Trên tầng 3 là thân cột Cờ hình trụ có 8 cạnh thon dần lên phía trên, mỗi cạnh 2,13 m với thân cao 18,2 m. Trụ hình thang xoáy trôn ốc gồm 54 bậc; được rọi sáng (và thông hơi) bằng 39 ô cửa sổ hình hoa thị và 6 ô cửa sổ hình dẻ quạt. Những ô cửa này được đặt dọc các cạnh, mỗi cạnh có tới 5 hoặc 6 cửa sổ.

Đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3 m có 8 cửa sổ tương ứng 8 cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4 m và cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ cao 8 m, phía trên treo cờ đỏ sao vàng.

Toàn phần xây từ đế đến trụ này cao 33,4 m gồm 3 tầng đế cao 12 m, cột cao 18,2 m, lầu 3,3 m. Nếu kể cả trụ treo cờ thì trên 40 m.

Khi người Pháp phá thành Hà Nội, quân pháp định phá luôn cột cờ, may mắn là họ không tiến hành việc này, lý do vì họ muốn biến nó thành đài xem đua ngựa.

Hiện Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội), trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.

Hoàng Thành Thăng Long

Trước mặt quý đoàn nhà mình đây chính là một trong những quần thể di tích lâu đời và có giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Cũng như những kinh thành, tòa tháp, đấu trường nổi tiếng trên thế giới, đất nước Việt Nam ta cũng sở hữu một kinh thành lớn, đồ sộ và đầy huy hoàng của một thời kì phong kiến hàng ngàn năm. Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/11/hoang-thanh-thang-long-1024x654.jpg

 

Giá trị nổi bật của Hoàng Thành Thăng Long được minh chứng qua quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo và Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình của những kiểu thành lũy phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), kết hợp một cách khéo léo với nhau tạo dựng nên sự độc đáo và sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Quý đoàn có thể nhìn vào tổng thể công trình này, từ vị trí cho đến kiến trúc chính là tinh hoa của lịch sử, kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ (trải từ thời tiền Thăng Long, qua thời Đinh– Tiền Lê, đến thời kỳ Thăng LongĐông KinhHà Nội với các Vương triều Lý-Trần-Lê-Nguyễn) và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản dường như phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các Vương triều cai trị đất nước Việt Nam chúng ta trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Gần như trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Một điều nữa khiến Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội có giá trị mang tính toàn cầu  chính là về giá trị lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong cái mối quan hệ trên khu vực và thế giới. Bằng chứng thuyết phục về điều đó chính là sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ.

Lịch sử phát triển của kinh thành Thăng Long gồm rất nhiều giai đoạn nhưng những giai đoạn phát triển chính bao gồm:

Giai đoạn tiền Thăng Long

Vào thời kỳ này, An Nam được chia thành 12 châu với 50 huyện, Tống Bình là trung tâm của An Nam đô hộ phủ, đây lần đầu tiên vùng đất sau là kinh thành Thăng Long nắm giữ vai trò một trung tâm quyền lực chính trị như vậy. Năm 866, có viên tướng nhà Đường tên là Cao Biền cho xây dựng một thành trì mới, Tống Bình được đổi tên thành Đại La – thủ phủ của Tĩnh Hải quân. Theo truyền thuyết, khi đắp thành, Cao Biền thấy một vị thần hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Vì vậy, trong sử sách còn gọi Thăng Long là đất Long Đỗ – có nghĩa là nơi rồng hạ xuống.

Giai đoạn Lý – Trần từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV

Vào giai đoạn này, năm 1010, tại kinh đô Hoa Lư, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô để thiên đô về thành Đại La và đổi tên kinh thành này là Thăng Long. Sau đó ngài cùng các quần thần đã gấp rút cho xây dựng những công trình cơ bản của Kinh thành Thăng Long. Đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình Tam trùng thành quách bao gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay kinh thành, vòng thành thứ hai là Hoàng Thành, giữa hai lớp thành này là nơi sinh sống của cư dân, lớp thành còn lại là Tử cấm thành hay Cấm thành hay Long Phượng thành là nơi ở của nhà vua. Các thời sau cho đến ngày nay đều theo quy cách ấy mà phân chia. quý đoàn nhà mình có lẽ ai cũng đã từng nghe qua về Chiếu dời đô của sách Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó có một trích đoạn viết: … Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền), ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp đất Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương. Đây gần như là một lời khẳng định dõng dạc về vị trí cũng như ý nghĩa quan trọng của kinh thành Thăng Long khi xưa.

Giai đoạn từ Thăng Long chuyển sang tên tỉnh Hà Nội

Vào năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị đem đại quân 29 vạn người sang chiếm Thăng Long không tốn một hòn đạn mũi tên. Nhưng sau đó vào khoảng đầu năm 1789, vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ ba đánh tan quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, triều đại Hậu Lê tới đây kết thúc, vua Quang Trung định đô ở Phú Xuân. Thăng Long chỉ giữ vài trò là phía bắc của kinh thành. Cho tới năm 1802 sau khi tiêu diệt xong Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế. Kinh đô vẫn được đặt ở Phú Xuân. Kinh thành Thăng Long vẫn mang tên gọi là Thăng Long nhưng chữ “Long” là rồng bị chuyển thành chữ “Long” nghĩa là thịnh vượng nghĩa là nhà vua không còn trị vì ở đấy. Đồng thời những gì còn sót lại của Hoàng Thành sau những trận đại hủy diệt cuối thế kỷ XVIII cũng lần lượt bị các đời vua nhà Nguyễn chuyển nốt vào Phú Xuân phục vụ cho công cuộc xây dưng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi Ngự giá Bắc thành.

Giai đoạn tỉnh thành Hà Nội thời Nguyễn

Tới thời kì cận đại, thành Hà Nội do Gia Long xây dựng cũng làm theo thể thức các tỉnh thành khác và điều chủ yếu là không được to rộng như Phú Xuân. Năm 1804, hoàng thành cũ bị phá và năm sau đó một thành chu vi nhỏ hơn (5 km) được xây theo kiểu Vauban của Pháp. Thành hình vuông mỗi bề chừng một cây số xung quanh là hào nước sâu. Bốn bức tường thành tương ứng với bốn con phố xung quanh hoàng thành mà quý đoàn nhà mình vừa di chuyển qua hiện nay chính là: phố Phan Đình Phùng ở phía Bắc, phố Lý Nam Đế ở phía Đông, phố Trần Phú ở phía Nam, đường Hùng Vương ở phía Tây.

Quý đoàn hãy cùng em quan sát về phía tường thành. Tường thành này được xây bằng gạch hộp chân thành xây bằng đá xanh và đá ong. Tường cao 1 trượng 1 thước, dày 4 trượng. Thành mở ra 5 cửa là: cửa Đông (tương ứng với phố cửa Đông bây giờ), cửa Tây (tương ứng với phố Bắc Sơn hiện nay), cửa Bắc (nay vẫn còn), cửa Tây Nam (tương ứng với đoạn giao phố Chu Văn An và Nguyễn Thái Học bây giờ), cửa Đông Nam (tương ứng với đoạn giao phố Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Học bây giờ). Đường vào cửa xây vòm xuyên qua tường thành dài 23 m. Trên mỗi cửa có lầu canh gọi là thú lâu. Xung quanh tường thành là một dải đất rộng 6-7m rồi đến một con hào rộng 15–16 m, sâu 5 m thông với sông Tô Lịch và sông Hồng. Hào lúc nào cũng có nước nhưng thường sẽ chỉ cao khoảng 1 m.

Phía ngoài các cổng thành có xây một hàng tường đắp liền trên bờ hào gọi là Dương mã thành, dài 2 trượng 9 thước, cao 7 thước 5 tấc. Các Dương mã thành đều cố một cửa bên gọi là Nhân Môn. Từ ngoài thành đi vào đều phải đi qua Nhân Môn rồi mới đến cổng thành. Phía trong thành được bố trí như sau: Ở trung tâm thành là điện Kính Thiên được xây dựng từ thời Lê trên núi Nùng. Điện dựng trên những cột gỗ lim lớn người ôm không xuể. Thềm điện có hai đôi rồng rất đẹp, xuất xứ cũng từ thời Lê. Phía sau điện này bị người Pháp phá hủy và xây trên nền cũ tòa nhà Con Rồng để làm trụ sở pháo binh Pháp. Sau năm 1954 nhà con Rồng lại trở thành trụ sở của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam sau khi đã giành được chính quyền từ tay của thực dân Pháp. Đây cũng chính là nơi diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng ngày 21 tháng 3 năm 1975 hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 75-76.

Trấn giữ phía đông của thành là nhiệm sở của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành vào thời kì đầu triều Nguyễn. Phía tây là kho thóc, kho tiền, và chức quan tên là dinh bố chính là viên quan phụ trách những kho ấy.

Vào năm 1812 dựng cột cờ Hà Nội được xây dựng tại phía Nam của thành mà quý đoàn nhà mình đã di chuyển qua.

Năm 1835, vì cho rằng thành Hà Nội cao hơn kinh thành Huế, Minh Mạng cho xén bớt 1 thước 8 tấc, thành Hà Nội chỉ còn cao chừng 5 m

Năm 1848, Vua Tự Đức cho phá dỡ các cung điện thời nhà Hậu Lê còn lại trong thành, những đồ chạm khắc mỹ thuật bằng gỗ, đá đều đưa về Huế để trang trí các cung điện trong đó, chỉ còn sót lại rồng đá ở điện Kính Thiên…

Đến với Hoàng Thành Thăng Long thì không thể không ghé thăm những điểm thăm quan mang đậm giá trị lịch sử, kiến trúc bên trong và xung quanh kinh thành Thăng Long như là: Cột Cờ Hà Nội, Điện Kính Thiên, Đoan Môn, nhà D67, Cửa Bắc,…

Đường Điện Biên Phủ

Đường Điện Biên Phủ là con đường dài 1.141m, thuộc phường Điện Biên (quận Ba Đình) và phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), thành phố Hà Nội. Thời Pháp, đường thuộc đại lộ Puyginiê (Avenue Puginier). Quý đoàn của chúng ta khi nghe tới cái tên gọi của con đường này sẽ gợi lên một niềm kiêu hãnh cháy bỏng, tự hào về một chiến thắng “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”. Con đường được đặt tên như vậy để tưởng nhớ về cả 2 chiến thắng vang đội của quân và dân ta trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước: Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 tiêu diệt toàn bộ tập đoàn quân Pháp, đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân trên đất nước ta và trận thắng “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 làm sụp đổ hoàn toàn sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán chấp nhận thất bại, tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

Lăng Bác

Trong trái tim của quý đoàn chúng ta, từ thuở ấu thơ đã in sâu trong tiềm thức về hình ảnh của Bác Hồ kính yêu, vị cha già, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ngày Bác ra đi là ngày đau buồn nhất của cả dân tộc Việt Nam, để tưởng nhớ công ơn của Bác, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng và trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi đặt chân tới mảnh đất thủ đô

Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh hay còn gọi là Lăng Hồ Chủ tịch, Lăng Bác, là nơi gìn giữ thi hài Hồ Chí Minh. Lăng được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh từng chủ trì các cuộc meeting.

Trong di chúc, Bác luôn mong muốn được hỏa táng và đặt tro tại ba miền đất nước. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, với lý do tuân theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chí Minh để sau này người dân cả nước, nhất là người dân miền Nam, khách quốc tế có thể tới ghé thăm và tưởng nhớ. Công trình này mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân Việt Nam với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Tòa nhà Quốc Hội

Phía đối diện của Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh mà quý đoàn đang di chuyển qua chính là Nhà Quốc hội hay Tòa nhà Quốc hội Việt Nam, còn có tên Hội trường Ba Đình mới. Đây là cơ quan đầu não quan trọng, là trụ sở làm việc và nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam. Nhà Quốc hội được khởi công xây dựng vào năm 2009 tại khu trung tâm chính trị Ba Đình. Tòa nhà tọa lạc trên đường Độc Lập, nhìn ra Quảng trường Ba Đình, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nằm cạnh khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Tòa nhà là công trình công sở có quy mô lớn và phức tạp nhất được xây dựng tại Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước với kiến trúc hiện đại tích hợp các giải pháp ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phức tạp.

Đường Hùng Vương

Đây được coi là một trong những con đường quyền lực nhất Việt Nam thưa quý đoàn, Con đường này chạy qua lăng chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhà Đỏ, nhà Vàng , Nhà Trắng và văn phòng quốc hội đều nằm dọc trục đường này .

Đường Hùng Vương được ví như cái xuồng bê tông với lớp bê tông dày 6m để chống bom nguyên tử khi cơ quan đầu não bị tấn công . đường được đổ bê tông rộng 40m. Hai bên đường là những hàng chò nâu xanh tươi, thẳng tắp được mang từ đất tổ Hùng Vương về trồng nên càng có ý nghĩa cho con đường. Đường Hùng Vương nằm trên một khu đất cổ, có địa thế phong thủy thuộc hàng đẹp nhất Thủ đô, hơn nữa con đường này nằm giữa Trung tâm hành chính-chính trị quốc gia và cũng là Trung tâm của quận Ba Đình, Hà Nội. Con đường mang ý nghĩa lịch sử này thật sự xứng đáng mang tên hiệu của 18 đời vua Hùng.

Đường Thanh Niên

Thưa quý đoàn, nếu chúng ta đã đi qua những con đường trọng yếu đều mang giá trị lịch sử, địa- chính trị quan trọng thì giờ đây chúng ta đang di chuyển trên con đường mệnh danh là “lãng mạn” nhất thủ đô Hà Nội.  Đường Thanh Niên vốn là con đập đắp vào đầu thế kỷ thứ 17 để giữ cá nuôi trong hồ Trúc Bạch. Lúc đầu mang tên “Cố Ngự” (giữ vững), sau được đọc chệch thành “Cổ Ngư.” Đường dài gần 1 km, bắt đầu từ dốc Yên Phụ tới ngã ba Quán Thánh – Thụy Khuê. Những năm 1957 – 1959, sau khi thanh niên thủ đô góp sức làm đường Cổ Ngư và một số công trình khác to đẹp hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý đổi tên thành đường Thanh Niên để ghi nhận và cổ vũ sự đóng góp công sức của thế hệ trẻ. Vào những tối mùa hè oi bức, dưới lòng đường và hai bên vỉa hè đều đông đúc người tới hóng mát. Những ngày đông giá rét, vẫn có nhiều người ngồi uống trà nóng bên quán cóc. Và đây cũng chính là điểm hẹn của những đôi lứa yêu nhau ngồi tình tự bên hồ. Vì thế đường Thanh Niên là con đường lãng mạn nhất Hà Thành và được nhiều người gọi vui là “đường tình yêu”.

Chùa Trấn Quốc

Nhìn ngôi chùa cổ kính này, chắc hẳn quý đoàn đã thấy có lẽ mình đã nhìn thấy ngôi chùa này ở đâu rồi thì phải, nhìn rất quen thuộc và gần gũi, ngôi chùa này thực chất đã được xuất hiện trên báo chí và truyền hình đã từ rất lâu và ai khi đến với Hà Nội cũng đều muốn ghé thăm ngôi chùa này. Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), chùa có lịch sử gần 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Ngôi chùa này có lối kiến trúc độc đáo hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý và nhà Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam. Từ khi xưa, chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến đời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Trong các năm 1624, 1628 và 1639, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này. Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay.

Chùa Trấn Quốc toạ lạc trên một hòn đảo duy nhất của một hồ nước ngọt lớn nhất ở Hà Nội. Vào thời Hai Bà Trưng (40 – 43), khu vực xung quanh Hồ Tây dân cư rất thưa thớt, có các hang động vừa và nhỏ và rừng cây bao phủ, trong rừng còn có cả một số loài thú quý hiếm sinh tồn. Cùng trải qua thời gian hàng nghìn năm tồn tại của ngôi chùa, cảnh quan nơi đây bây giờ được đổi khác hoàn toàn. Bờ hồ có đường lớn bao quanh, những ngôi nhà biệt thự và công trình hiện đại hình thành… Một mặt thể hiện sự hoàn thiện tổng thể kiến trúc của thành phố, nhưng mặt khác vô tình phá vỡ cảnh quan lịch sử và tâm linh trong quan niệm sống của số dân cư bản địa.

Quý đoàn có thể trông lên phía trên cửa chùa có ghi ba chữ Phương Tiện môn và câu đối hai bên viết bằng chữ Nôm:

Vang tai xe ngựa qua đường tục/ Mở mặt non sông đứng cửa thiền

Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工).

Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.

Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815.

Phía sau chùa có một số mộ tháp cổ từ đời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng (thế kỉ 18).

Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: “Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp”.

Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989.

Tuy nhiên, do nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên kiến trúc chùa đã không khỏi bị pha tạp phong cảnh, kiến trúc cũng như ý nghĩa của nhiều công trình phụ xung quanh.

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/06/chua-tran-quoc.jpg.jpg

Đền thủy trung tiên

Ai đã từng đi qua hồ Trúc Bạch (Tây Hồ – Hà Nội) chắc hẳn không khỏi một lần thắc mắc về sự tồn tại của ngôi đền nhỏ với những hàng cây xanh cổ thụ um tùm soi bóng. Đó là ngôi đền Thủy Trung Tiên từ xa xưa đã gắn liền với văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt và tên gọi ban đầu của đền là Cẩu Nhi.

Đền Cẩu Nhi xưa với tên gọi là đền Thủy Trung Tiên nằm cách đường Thanh Niên khoảng 30m với khuôn viên đẹp, xung quanh được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ với một cây cầu bằng đá xanh chạm nổi rồng phượng hình vòng cung nối từ đường Thanh Niên vào cổng tam quan.Bia đá xưa nay còn tồn tại trong phương đình của đền có chép: Di tích Cẩu Nhi có bắt nguồn từ một truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian đến sự kiện vua Lý Thái Tổ lên làm Vua và dời đô về thành Thăng Long. Các sử liệu của nước Nam ghi rõ về sự xuất hiện của ngôi đền và lý giải tại sao lại có tên là Cẩu Nhi. Nguyên là trong Đại Việt sử ký toàn thư, quyển II, kỷ Nhà Lý, có đoạn chép rằng: “Trước ở viện Cam Tuyển chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen thành hình hai chữ Thiên Tử. Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm thiên tử. Đến nay, Vua sinh năm Giáp Tuất lên làm thiên tử, quả là ứng nghiệm” (Vua Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (934) dời đô về Thăng Long năm Canh Tuất 1010).

Sách “Tây Hồ chí” do Dương Bá Cung (1794 – 1868) có viết về đền Cẩu Nhi. Dương Bá Cung người làng Nhị Khê, đỗ cử nhân năm 1821, làm Đốc học, có công sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi. Năm 2000, Bùi Hạnh Cẩn dịch “Tây Hồ chí” và in trong tập “Thăng Long thi văn tuyển” . Trong mục “Núi sông”, có ghi: “Thần Cẩu Nhi là con Cẩu Mẫu, triều Lý miếu thờ ở bãi Châu Chữ (bến Châu) phía Tây Bắc hồ, thời Hậu Lê gọi là chùa Trúc Bạch. Trên có Miếu Chó thần Cổ Nhi dựng từ triều Lý. Nay hãy còn” và Núi Khán: “Hai ngọn liền nhau, ở phía Nam hồ, góc Tây nội thành. Trên có miếu Cẩu Mẫu (mẹ chó thần) của triều Lý. Trước khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, ở chùa Thiện Tâm trên núi Ba Tiêu – châu Bắc Giang có một con chó trắng mang thai vượt sông trên núi Khán sinh một con. Người người lấy làm lạ. Đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi đều hoá. Vua nghe chuyện, bảo đó là Phúc Thần, bèn cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi ở dưới hồ thuộc địa phận làng Trúc Yên”. Tài liệu thần tích trong Ngọc phả cổ lục cũng chép về sự xuất hiện của tục thờ “Thần Khuyển” khi cho rằng, bà mẹ vua Lý Công Uẩn tên Phạm Thị Trinh, khi đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn. Khi vua Lý Công Uẩn xuất hiện, con chó bằng đồng đã sủa inh ỏi, rồi vua Lý Công Uẩn lại sinh năm Tuất… Được biết, nơi đây, đời Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu. Sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” khi giới thiệu về vùng Hồ Tây, cụ Nguyễn Văn Uẩn viết: “Lên đến gần đường đê Yên Phụ, ta thấy còn mấy di tích lịch sử nữa: Ở bên phải, trên một gò nhỏ giữa hồ Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi, đền này có từ thời Lý Thái Tổ (thế kỷ 11), khởi thủy ở cạnh núi Nùng trong Hoàng Thành, khi xây lại thành sau này mới chuyển bài vị thờ thần ra đây. Về sau, những người đến lễ bái chỉ biết là đền thờ “Thủy Trung Tiên” (bà tiên dưới nước). Bãi bể hóa nương dâu, thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ khiến những câu chuyện được chép trong sử liệu cũng mang màu sắc dân gian tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo nhưng vẫn sống động và được lan truyền trong đời sống tâm linh của biết bao người. Có lẽ, sẽ không có một di tích nào trên dải đất hình chữ S này lại có một ngôi đền mà tên gọi của nó khiến cả giới sử học đương thời phải tranh luận suốt một thời gian mà vẫn chưa có thống nhất.

Nguyên nhân bởi di tích này có tên gọi là Thủy Trung Tiên Từ thờ Mẫu Thoải và thờ Thần Cá được tồn tại vào những năm 50 của thế kỷ 19 và ngôi Thủy Trung Tiên Từ được xây ngay trên đất của đền Cẩu Nhi xưa nên người ta đã đặt tượng một chú chó nhỏ vào trong đó để thờ nhằm “hiện thực hóa” những câu chuyện vốn lưu truyền xưa nay về sự tích ngôi đền. Điều này khiến việc đi tìm cho câu trả lời có hay không sự tồn tại của đền Cẩu Nhi và nếu có trong lịch sử, đền này thờ Thần Cẩu Nhi, thờ Mẫu Thoải hay thờ Cá”, cho đến nay, vẫn đang còn bỏ ngỏ. Để có được khu thờ tự khang trang trở thành điểm đến du lịch, tín ngưỡng cho du khách như hiện nay, đền Cẩu Nhi phải trải qua những thăng trầm của tạo hóa khi chỉ còn là phế tích. Cái tên Cẩu Nhi có lẽ chỉ còn một số người biết đến nếu năm 2005 Sở văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội không có ý định phục dựng lại ngôi đền do trước đây đã trở thành phế tích.

Phố Trúc Bạch

 Nằm ở mạn Đông Bắc quận Ba Đình, phố Trúc Bạch quấn quanh hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây. Thời xưa sóng lặng hơn nên cá hồ Tây thường tụ về đây. Dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đã đắp đê ngăn góc này lại để đánh cá và sau là nuôi cá. Sau đó chúa Trịnh cho đắp con đê rộng ra, và gọi là đê Cố Ngự (nghĩa là giữ vững). Con đê này cũng có vai trò như đường giao thông. Sau này đường Cố Ngự bị đọc chệch thành Cổ Ngư, chính là đường Thanh Niên – con đường thơ mộng nổi tiếng Hà Nội ngày nay mà quý đoàn chúng ta vừa di chuyển qua. Khi mới được ngăn ra, hồ chưa có tên riêng. Vào thế kỉ 18, chúa Trịnh Giang cho xây một cung điện để nghỉ mát cạnh hồ và gọi là Trúc Lâm. Sau đó Trúc Lâm trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội, họ buộc phải tự dệt lụa để nuôi sống bản thân. Lụa của họ rất đẹp và trở nên nổ i tiếng khắp vùng. Lụa đẹp, bóng bẩy gọi là lụa Trúc (chữ Hán là Trúc Bạch). Từ đó xuất hiện một làng chuyên dệt lụa với tên là làng Trúc Bạch, và hồ từ đó cũng được gọi với cái tên hồ Trúc Bạch.

Phố Châu Long

Phố Châu Long có chiều dài 440m từ phố Phó Đức Chính cắt ngang qua phố Nguyễn Trường Tộ đến phố Quán Thánh

Con phố này mang trong mình một gam màu thời gian đầy sức cuốn hút trong đó chùa Châu Long là cơ sở kiến trúc Phật giáo toạ lạc trên vùng đất cổ, gắn bó mật thiết với lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Thăng Long đã được xếp hạng năm 1994. Ngoài ra nơi đây còn có Đền Lạc Chính thờ ông tổ nghề đúc đồng – người đã đúc rất nhiều tác phẩm được coi là kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam và đối với những ai có niềm đam mê ẩm thực thì khi tới phố Châu Long quý vị đừng quên thưởng thức món Phở chua nổi tiếng nhé.

Phố Đặng Dung

Quý đoàn đang di chuyển trên con phố nổi tiếng Hà Thành gắn liền với tên của Đặng Dung, tướng lĩnh nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai của Đặng Tất, người theo phò vua Giản Định đế của nhà Hậu Trần, sau bị Giản Định đế giết chết cùng với tướng Nguyễn Cảnh Chân. Giận vì cha mình chết oan, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rời đi, lập Trần Quý Khoáng tức vua Trùng Quang tiếp tục khởi nghĩa.

Cửa Bắc 

Đây là con đường có từ xưa, bắt đầu từ cửa ô Yên Tĩnh (ngã ba đường Yên Phụ phố Cửa Bắc đến giữa thế kỷ XIX thì đổi tên là cửa ô Yên Định) chạy thẳng tới cạnh phía Đông của mang cá bảo vệ cửa Chính Bắc Môn (di tích còn lại ở phố Phan Đình Phùng) của thành Thăng Long đời Nguyễn. Thành này xây từ năm 1803 đến năm 1805 thì xong. Thành hình vuông xây bằng gạch vồ, mở ra thành năm cửa: Chính Bắc, Chính Tây, Chính Đông, Đông Nam và Tây Nam. Bên ngoài mỗi cửa thành có một cái dương mã thành còn gọi là mang cá là một loại cộng sự gồm hai bức tường xây vuông góc để bảo vệ cửa thành ở mé ngoài. Xung quanh thành là một hệ thống hào bao quanh bề rộng tới 15m, do đó từ ngoài đi vào thành phải qua hai cái cầu, một xây ngang hào ở ngoài cửa thành chính (riêng mặt Bắc thành này, hào là một khúc của sông Tô Lịch).

Phố Cửa Bắc ngày nay trùng với con đường chạy thẳng tới cửa mang cá (mở ở tường phía Đông, nay ở vào khoảng trước của trường Trung học Phan Đình Phùng), tiếp đó con đường này bẻ quặt về phía Tây để vào cửa Chính Bắc (xem mục Phan Đình Phùng).

Dọc phố Cửa Bắc này còn có nhiều đình chùa là đâu vết của các thôn xóm cũ: số nhà 18 là đình Yên Định thờ Uy Linh Lang, một hoàng tử có công chống giặc Nguyên (xem mục Phó Đức Chính). Số nhà 29 là chùa Phổ Quang, ngôi chùa của thôn Yên Canh cũ. Số nhà 48 là đình Yên Canh thờ Triệu Quang Phục, người anh hùng chống giặc ngoại xâm hồi thế kỷ thứ V. Số nhà 66 là đình Yên Viên. Như vậy là phố Cửa Bắc đã đi qua địa phận các thôn: Yên Định, Yên Canh, Yên Viên tức là ba thôn của tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ.

Thời Pháp thuộc là đường số 52 (voie N052), năm 1909 đổi thành phố Yên Thành, năm 1919 đổi thành phố Đỗ Hữu Vị, năm 1945 đổi thành phố Cửa Bắc cho đến nay. Ở cuối phố có Trường Sư phạm cùng tên, đào tạo giáo viên bậc tiểu học cho toàn xứ Bắc Kỳ. Trường đó nay trở thành Trung học phổ thông Phan Đình Phùng. Ngoài ra về ẩm thực, Phố Cửa Bắc nổi tiếng với những quán ăn món bún bò Huế ngon nức tiếng mà quý đoàn có thể ghé qua.

Phố Phan Đình Phùng

Song hành cùng với cuộc đua con đường “lãng mạn” nhất Hà Nội cùng với đường Thanh Niên, quý đoàn chúng t đang di chuyển trên phố Phan Đình Phùng, một trong những con đường lãng mạn nhất ở Hà Nội trở nên đặc biệt hơn vào mỗi mùa thay lá… Phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) dài khoảng 1,5Km – kéo dài từ phố Mai Xuân Thưởng đến phố Hàng Cót. Đường Phan Đình Phùng cắt ngang các đường, phố như: đường Hoàng Diệu, đường Nguyễn Tri Phương, phố Đặng Dung, phố Đặng Tất, phố Hàng Bún…Phố Phan Đình Phùng là đường một chiều, song song với phố Quán Thánh. Ngoài việc tản bộ dưới hàng sấu cổ thụ, quý đoàn có thể có thể tới thăm Nhà thờ Cửa Bắc, di tích Hoàng Thành Thăng Long…

Bốt Hàng Đậu

Thưa quý đoàn, đồi với những người cao tuổi sống lâu năm ở Hà Nội khi nói đến bốt Hàng Trống và bốt Hàng Đậu không ai là không biết. Biết bởi vì thời thực dân Pháp đô hộ, nếu bị bắt và nhốt ở hai bốt này sẽ bị “đội cẩm” đánh cho nhừ tử. Cho đến nay vẫn không ít người nhầm lẫn gọi trạm cấp nước Hàng Đậu là bốt Hàng Đậu. Đầu thế kỷ 20, bốt Hàng Đậu (nay là trụ sở CAP Đồng Xuân) nằm ở bên số lẻ cuối phố Hàng Đậu, tuy nhiên  đây cũng là đầu phố Hàng Giấy, nhưng vì bên cạnh không có nhà nên dân chỉ gọi là bốt Hàng Đậu. Bốt này nguyên là nhà tư của một người Pháp xây đầu thế kỷ 20. Khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), chủ nhà  bị gọi lính nên phải trở về Pháp gia nhập quân đội. Năm 1915 chính quyền mua lại ngôi nhà để lập đồn cảnh sát.

Cũng đầu thế kỷ 20, phố Hàng Giấy được gọi là “phố ca quán” vì có nhiều các cô hát ca trù. Nhiều ông chồng thường trốn vợ lên đây hát và nói trại là đi “đập trống”. Từ khi có đồn, cảnh sát đã cấm xe tay, cấm tụ tập hát đêm, nhiều người đi hát cũng ngại cảnh sát Pháp nên không đến hát nữa. Đầu thập niên 20, các ca quán chuyển về ấp Thái Hà nhưng bị dân anh chị bắt nạt nên đành phải  chuyển  sang phố Khâm Thiên. Bốt cảnh sát Hàng Đậu cai quản khu vực phía Bắc Hà Nội, trong đó có chợ Đồng Xuân

  • Chợ long biên

Hà Nội được xem là vùng đất “ngàn năm văn hiến” cổ xưa lưu giữ văn hóa cổ truyền đặc sắc, như một món ăn tinh thần để nhân dân ta ghi nhớ lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Nhưng điều làm cho du khách phải ghi nhớ khi đặt chân đến Hà Nội chính là khu chợ Long Biên. Khu chợ này thực sự đã tạo nên một nét độc đáo trong văn hóa Hà Thành để bất kỳ ai khi đến đây cũng không thể nhầm lẫn Hà Nội với một nơi nào khác. Chợ Long Biên – một trong những chợ trời thú vị nhất thế giới đã làm cho Hà Nội thực sự Hà Nội!

Chợ Long Biên là một nơi buôn bán quan trọng của quận Ba Đình. Đây là một chợ lớn thứ hai đứng sau chợ Đồng Xuân. Chợ này nằm gần đường Hồng Hà, phía sau đường đê Yên Phụ. Cổng vào chợ đặt ở cạnh đường Yên Phụ, được tách thành ba phần: phần giữa là đường hai chiều dành cho ô tô và xe máy, 2 phần ở hai bên là đường một chiều dành cho xe thô sơ đi vào chợ và được phân cách bởi cột bê-tông to màu ghi.

Đăng ký tour: tại đây

hoặc liên hệ với Wondertour
Địa chỉ: 100 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 02437722777, Hotline: 0931722777

 




    Đăng ký tư vấn

      Đặt tour đoàn/ Nhóm riêng

      • Dự kiến khởi hành

      • Dự kiến ngày về


      Thông tin khách hàng


      Bài xem nhiều