Báo Vnexpress: Phỏng vấn Wondertour về du lịch tiết kiệm

28/12/2022 14:54 +07 - Lượt xem: 4013

Mấy cuối tuần gần đây, cửa hàng bán quần áo cũ của chị Nguyễn Hà ở chợ đồ si Đông Tác (Đống Đa, Hà Nội) khách đông đột biến từ 8h sáng...

Mấy cuối tuần gần đây, cửa hàng bán quần áo cũ của chị Nguyễn Hà ở chợ đồ si Đông Tác (Đống Đa, Hà Nội) khách đông đột biến từ 8h sáng đến 7h tối.

Theo bà chủ đã hơn 10 năm bán quần áo cũ, từ đầu năm đến nay lượng khách đến chợ tăng mạnh, đặc biệt vào cuối tuần và thời điểm giao mùa. “Khách chủ yếu là người trẻ, sinh viên”, chị Hà, 50 tuổi, nói.

Ánh Quỳnh, 21 tuổi, sinh viên một trường đại học quê Hải Phòng cho biết, từ nhiều tháng nay cô và bạn bè trở thành khách quen của các cửa hàng quần áo cũ hoặc các hội nhóm trao đổi trên mạng xã hội, nơi có thể dễ dàng săn được những bộ đồ chủ nhân trước chỉ mặc vài lần, bán lại bằng 30-50% giá mua mới.

“Thay vì chi cả triệu đồng mua quần áo mặc vài lần rồi cất tủ, tôi có thể mua đồ cũ hoặc trao đổi những món đồ của mình với người khác theo phương châm ‘cũ người mới ta’, chỉ cần đồ còn mới, không quá nhàu nát”, cô gái chia sẻ.

Phương Anh, 26 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mấy tháng gần đây đã từ bỏ sở thích shopping, thay vào đó là đi thuê quần áo mỗi khi cần “lên đồ sang chảnh” ví dụ như đi ăn cưới hoặc dự tiệc. “Từ ngày biết dịch vụ cho thuê váy, quần áo, mỗi đám cưới tôi chi chưa đến một triệu đồng bao gồm cả tiền mừng”, Phương Anh nói. Trước đây, cô thường tốn khoảng ba triệu đồng đầu tư cho quần áo mới, thuê trang điểm, làm tóc, sơn móng, giày dép, phụ kiện và phong bì mừng.

Một cô gái trẻ ở Hà Nội thuê trang phục để đi du lịch thay vì mua để tiết kiệm chi phí hồi tháng 8/2022. Ảnh: Yon Dress

Một cô gái trẻ ở Hà Nội thuê trang phục để đi du lịch thay vì mua để tiết kiệm chi phí hồi tháng 8/2022. Ảnh: Yon Dress

“Không phải tự nhiên lối sống này được nhiều người lựa chọn, đó là hiệu ứng dây chuyền, khi con người nhìn thấy những mặt lợi sẽ chủ động theo đuổi và thúc đẩy phát triển”, PGS. TS Đỗ Minh Cương, nguyên giảng viên Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét.

Theo chuyên gia, việc chi tiêu khắt khe, tận dụng đồ cũ thay vì mua mới là sự chuyển đổi thông minh, hợp thời nhằm giải quyết bài toán kinh tế cá nhân hiệu quả, nhất là trong bối cảnh cả nước vẫn có gần 17 triệu lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu nhập giảm.

Bên cạnh yếu tố dịch bệnh, lạm phát, ông Cương cũng nêu ra ba nguyên nhân khác khiến người trẻ thay đổi cách thức chi tiêu. Một là sự phát triển mạnh của Internet khiến nhiều người tiếp cận lối sống mới; hai là mô hình kinh tế chia sẻ dần trở nên phổ biến, nhiều người bắt đầu quan tâm tận dụng và dùng đồ cũ; ba là lối sống tư duy tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường ngày càng được khuyến khích.

Gần một năm nay, Đình Trường, 30 tuổi, quận Bình Thạnh (TP HCM) thường tự nấu ăn và mang cơm đi làm thay vì ăn ngoài. Sự thay đổi này xuất phát từ việc giá cả leo thang, phí ship ngang tiền mua và thu nhập sụt giảm sau dịch.

Để tiết kiệm, anh thường đến các chợ đầu mối hoặc chờ ngày siêu thị khuyến mại để mua đồ giảm giá, khiến chi phí mỗi bữa ăn hiện chỉ tốn 15.000-20.000 đồng.

Tần suất đi chơi cùng bạn bè cũng được Trường giảm từ vài lần một tuần thành một tháng một, hai lần, thẻ tập theo tháng ở phòng gym được thay thế bằng các buổi chạy bộ ngoài công viên. “Không phải keo kiệt, tôi chỉ đang sắp xếp lại cách chi tiêu hợp lý, nhất là khi trải qua hai năm sống trong túng thiếu vì thất nghiệp và không có tiền dự trữ bởi làm đến đâu tiêu đến đó”, anh nói.

Phương Anh, Đình Trường hay Ánh Quỳnh là ba trong số hơn 120 người trong độ tuổi từ 18 đến 35 tham gia khảo sát nhanh của phóng viên VnExpress hôm 23/10. Kết quả cho thấy, gần 70% người được hỏi nói tiết kiệm hơn sau hai năm dịch. Trong đó, 40,4% đã giảm nhu cầu mua sắm quần áo, đồ dùng cá nhân; 29,3% không đi du lịch hoặc chọn các tour giá rẻ; 16,2% hạn chế ăn ngoài; và 14,1% giảm các hoạt động giải trí.

Trước dịch, Bích Hân, 29 tuổi, ở Bắc Ninh theo đuổi lối sống sang chảnh. Cô cho biết, không ngại chi tiền triệu mua những bộ đồ hiệu hay có những chuyến du lịch tốn kém. Mọi thứ thay đổi sau hai năm dịch khi thu nhập giảm và cô liên tục xem các video chia sẻ lối sống tiết kiệm.

“Tôi tự thấy có lỗi khi mọi người bắt đầu tiết kiệm, chi tiêu khoa học, trong khi bản thân làm không đủ tiêu, chưa hết tháng đã hết tiền, buộc phải vay mượn”, Hân tâm sự.

Lần đầu thử mua đồ si (quần áo cũ), cô gái nói sợ vì nghĩ chẳng may đó là đồ của người đã khuất bị bỏ đi, nhàu nát và lỗi mốt. “Nhưng thực tế hoàn toàn khác, tôi có thể tìm thấy những món đồ đẹp, thậm chí nguyên tem mác đến từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới có giá vài trăm nghìn đồng”, Hân nói và chia sẻ thêm, chỉ cần kiên nhẫn lục lọi trong các “núi” quần áo, người mua có thể tìm được vô số món đồ giá trị, thậm chí khiến bản thân trở nên phong cách nếu biết phối.

Chị Nguyễn Hà, chủ shop đồ si ở chợ Đông Tác, cho biết có những ngày lượng hàng bán ra tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm trước dịch Covid. “Bên cạnh giá rẻ, đa dạng mẫu mã, nhiều bạn trẻ biết đến chợ qua các video giới thiệu địa điểm mua đồ giá rẻ trên mạng xã hội, không ít người tò mò đến thử rồi trở thành khách quen”, chị Hà nói.

Nhiều người trẻ tìm đến chợ đồ si Đông Tác để mua đồ, chiều 23/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Nhiều người trẻ tìm đến chợ đồ si Đông Tác để mua đồ, chiều 23/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Bên cạnh thị trường quần áo cũ, dịch vụ cho thuê trang phục cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Chị Nguyễn Thị Huyền, 25 tuổi, chủ một cửa hàng cho thuê quần áo ở Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết xu hướng thuê váy, áo đi chơi thay vì mua mới được nhiều người trẻ lựa chọn trong vài tháng qua.

Mở cửa hàng từ giữa năm 2022, đầu tư hơn 60 bộ váy với nhiều phong cách khác nhau, chủ cửa hàng cho biết khách đến thuê hầu hết trong độ tuổi từ 18 đến 35, chọn trang phục để đi du lịch, dự sinh nhật, đám cưới hoặc chụp hình sống ảo. Trung bình mỗi ngày cửa hàng có 4-5 người đến thuê, chưa kể khách đặt trực tuyến, giá dao động từ 50.000 đồng đến 400.000 đồng một ngày, tùy giá trị của sản phẩm.

Ngoài cho thuê trang phục, nhiều cửa hàng bắt đầu mở các dịch vụ cung cấp giày cao gót, đồ trang sức, phụ kiện đi kèm… giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn, tiết kiệm thời gian.

Các chuyên gia nhận định, xu hướng tiết kiệm của người trẻ có thể là một trong những nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022, ước chỉ đạt 84% so với điều kiện bình thường không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như trong báo cáo tại phiên họp Ủy ban Kinh tế của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, sau 9 tháng, sức mua của thị trường trong nước tuy được khôi phục nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nhóm hàng hóa không thiết yếu tăng thấp.

Ngành dịch vụ du lịch cũng ghi nhận sự thay đổi đáng kể trong xu hướng tiêu dùng. Ông Lê Công Năng, tổng giám đốc công ty du lịch Wondertour, cho biết lượng người tìm đến tour giá rẻ của công ty đã tăng khoảng 30% so với giai đoạn trước. Khách quan tâm tour giá rẻ thường là giới trẻ, đa phần là nữ giới trong độ tuổi 24-40. Một số tour du lịch giá rẻ được quan tâm như tour chụp ảnh, dã ngoại cho gia đình, combo du lịch biển, tour ngủ đêm trên vịnh Hạ Long… với chi phí bằng 80% so với tour tiêu chuẩn.

“Xu hướng đi du lịch giá rẻ, du lịch tự túc là nhu cầu tất yếu của xã hội chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Điều này buộc các đơn vị lữ hành cần có những sự thay đổi cho phù hợp để phục vụ khách hàng tốt nhất”, ông Năng nhận định.

Nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì để theo đuổi lối sống tiết kiệm. Như Trang, 31 tuổi, (ở quận 3, TP HCM) từng học bạn bè mua đồ cũ, nấu ăn tại nhà và hạn chế đi chơi, nhưng mọi thứ không như kỳ vọng. Cô không thể kiềm chế thói quen mua sắm mỗi khi thấy mẫu quần áo mới ra mắt, từ chối lời rủ đi chơi của bạn bè hay đi du lịch giá rẻ vì “có cảm giác như đang ngược đãi bản thân”.

Quay lại lối sống cũ khiến mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng của Trang không đủ tiêu, thường xuyên phải vay mượn. Nhưng cô nói xứng đáng vì không nên cực khổ chỉ để chắt chiu từng đồng mà không hưởng thụ. “Tôi muốn dùng tiền để mua sự tự do, hạnh phúc”, cô gái lập luận.

Về phía Phương Anh, cô nói thoải mái với cách sống hiện tại khi biết tiêu tiền thông minh. “Tôi vẫn được mặc bộ đồ đẹp nhưng vẫn tích góp một khoản kha khá để phòng thân”, cô gái 26 tuổi cho biết.

 




    Đăng ký tư vấn

      Đặt tour đoàn/ Nhóm riêng

      • Dự kiến khởi hành

      • Dự kiến ngày về


      Thông tin khách hàng


      Bài xem nhiều